Chung nhà – riêng mâm, chuyện không của riêng gia đình nào. Ăn riêng mâm tạo sự thoải mái cho các thành viên, song đó cũng chưa hẳn là giải pháp hiệu quả “vẹn cả đôi đường”. Ăn chung, ăn riêng, góp tiền phí sinh hoạt… đều là những vấn đề rất dễ nảy sinh mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu. Có nên ăn riêng với bố mẹ chồng không ? Không có một lời khuyên nào là thực sự đúng hoàn toàn bởi mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Blog Nàng Dâu sẽ gợi ý các hướng xử lý tương ứng với từng hoàn cảnh khác nhau.

Có nên ăn riêng với bố mẹ chồng?
Nội dung bài viết
- Gia đình ít người có nên ăn riêng với bố mẹ chồng không ?
- Ở chung 1 nhà nhưng ăn riêng dễ tạo khoảng cách giữa hai thế hệ
- Nên ăn riêng hay ăn chung – Những cặp vợ chồng “bận rộn”
- Có nên ăn riêng với bố mẹ chồng khi sống cùng một “đại gia đình” ?
- Những tình huống éo le khi chung nhà – riêng mâm
- Vậy có nên ăn riêng với bố mẹ chồng ? Làm sao để vẹn đôi đường?
- Làm thế nào để hợp lý chuyện chung – riêng ?
- Nên đóng góp sinh hoạt phí cho mẹ chồng như thế nào hợp lý ?
- Khéo léo lựa lời khi góp tiền để bố mẹ chồng vui vẻ và tạo điều kiện
- Phụ nữ độc lập tài chính mới có tiếng nói trong gia đình
- Không có điều kiện đóng góp nhiều, nàng dâu nên làm sao để mẹ chồng thông cảm và vui lòng?
- Gợi ý giải pháp hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu từ vấn đề : Có nên ăn riêng với bố mẹ chồng ?
- Câu chuyện chia sẻ từ Mẹ chồng và Nàng dâu
- Vậy giải pháp là gì?
- Bình tĩnh, khéo léo nhờ sự trợ giúp từ chồng
- Đụng đến vấn đề tiền bạc “nhạy cảm”, nàng dâu nên khéo léo và thông minh khi ứng xử
- Xử lý tình huống chị em chồng qua “xúc gạo”
- Đừng dại tham gia vào “cuộc chiến hoa hồng”
Gia đình ít người có nên ăn riêng với bố mẹ chồng không ?
Trường hợp gia đình ít người vì bố mẹ chỉ có mỗi mụn con trai và bạn là nàng dâu duy nhất, vậy vợ chồng có nên ăn riêng không ?
Ở chung 1 nhà nhưng ăn riêng dễ tạo khoảng cách giữa hai thế hệ
Bữa cơm gia đình sẽ là nơi các thành viên gắn kết với nhau, hơn nữa nếu bố mẹ chỉ có mỗi mụn con trai mà vợ chồng bạn đòi ăn riêng thì liệu mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu có hòa hợp ? Có nên ở chung nhà nhưng ăn riêng?
Ở chung 1 nhà nhưng ăn riêng sẽ dễ tạo nên khoảng cách giữa hai thế hệ, mẹ chồng – nàng dâu sẽ khó mà sống hòa hợp.

Chung nhà chung mâm gắn kết tình thân
Nên ăn riêng hay ăn chung – Những cặp vợ chồng “bận rộn”
Cả bạn và chồng đều phải đi làm, vậy có nên ăn riêng với bố mẹ chồng không?
Nếu ăn riêng, viễn cảnh như sau : Sau một ngày làm việc vất vả ở công ty, tan làm, bạn phải vội vàng đi chợ rồi về nhà nấu nướng, dọn dẹp… Mỗi ngày đều như thế, chắc chắn sẽ rất vất vả đây!
Chưa kể đến trường hợp : Hai vợ chồng thường xuyên ra ngoài ăn thì sẽ tốn kém, đồ ăn không đủ dinh dưỡng, không hợp khẩu vị. Bữa nấu bữa không, con trai cưng của mẹ ăn uống không đủ, gầy ốm… mẹ chồng cũng sẽ không thích cách nàng dâu chăm sóc gia đình như thế và sẽ có ác cảm với bạn.
Vậy có nên ăn riêng với bố mẹ chồng không? Trường hợp này Nàng Dâu khuyên là KHÔNG.
Cả bạn và chồng đi làm cả ngày, bữa cơm gia đình sẽ càng quý hơn và là thời gian sum họp, gắn kết. Hơn nữa, ăn chung với bố mẹ chồng thì bạn có thể nhờ mẹ nấu nướng giúp, đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, các nàng dâu nên nhớ san sẻ công việc với mẹ như dọn dẹp sau khi ăn xong hoặc đảm nhận việc bếp núc vào những ngày nghỉ, cuối tuần…
Có nên ăn riêng với bố mẹ chồng khi sống cùng một “đại gia đình” ?
Người xưa có câu “xa thương, gần thường”, khi nàng dâu sống cùng với bố mẹ chồng và đại gia đình, chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những mâu thuẫn phát sinh. Đặc biệt, vấn đề có nên ăn riêng với bố mẹ chồng hay không cũng là vấn đề khiến các nàng dâu đau đầu. Làm sao để vẹn toàn và tránh tình trạng “đồng đường nhưng không đồng lòng”?
Những tình huống éo le khi chung nhà – riêng mâm
Sống trong một đại gia đình gồm bố mẹ chồng và các cặp vợ chồng anh em, có nên ăn riêng với bố mẹ chồng không ? Vì giờ giấc mỗi người khác nhau nên mâm riêng có vẻ là giải pháp hợp lý. Tuy nhiên, đôi khi “đời không như là mơ”.
- Chung nhà, riêng mâm, nấu xong thì bếp như bãi chiến trường, ai về sau người đó dọn.
- Gia đình này tị nạnh gia đình kia, “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, nói xấu nhau…
- Sống chung nhưng mạnh ai nấy lo, không có không khí gia đình.
- Các gia đình so bì nhau chuyện góp tiền điện, gas, nước…

Chung nhà – riêng mâm với những vấn đề nhức đầu
Vậy có nên ăn riêng với bố mẹ chồng ? Làm sao để vẹn đôi đường?
Nếu sống chung nhà có nhiều cặp vợ chồng, con cái, có nên ăn riêng với bố mẹ chồng ? Trường hợp này, hình thức riêng mâm khá hợp lý. Ăn riêng mâm sẽ không phải phụ thuộc giờ giấc, khẩu vị, cũng không gánh nặng việc nhà, bếp núc lên ai.
Tuy nhiên, chuyện mâm chung hay riêng thì cũng phải có sự thống nhất của mọi thành viên trong gia đình. Nên thẳng thắn bàn bạc với nhau để tạo không khí chung. Bởi nếu các thành viên không hòa thuận thì ngồi chung mâm cũng khó.
Thêm một gợi ý nữa là cả tuần ăn riêng, còn cuối tuần thì nên “góp gạo” nấu chung một bữa, phân công công việc cho mỗi nàng dâu. Cả đại gia đình cùng nhau quây quần ăn uống, trò chuyện vui vẻ thì chắc chắn sẽ xua tan mọi khoảng cách. Duy trì nếp sinh hoạt này, mình tin là chuyên mâm chung mâm riêng sẽ “vẹn cả đôi đường”.
Việc gìn giữ sự bình yên cho “tổ ấm” cần thiện chí và ý thức của mỗi thành viên. Đó chắc chắn sẽ là sợi dây gắn kết tình cảm gia đình bền chặt.
Làm thế nào để hợp lý chuyện chung – riêng ?
Trường hợp nếu được bố mẹ chồng đề xuất ăn riêng hoặc muốn ăn riêng, hãy bàn bạc với chồng và xin phép bố mẹ, lựa lời khéo léo.
Trao đổi minh bạch về việc đóng góp tiền sinh hoạt phí hàng tháng. Cần phải tính toán rõ ràng và thống nhất để cả hai bên đều thoải mái.
Dù có ăn riêng thì cũng nên có những cái chung như việc phân chia tiền đi chợ vào mỗi buổi sáng. Nàng dâu có thể nhờ mẹ chồng cắm giúp nồi cơm, sơ chế thực phẩm, về là nấu thôi. Ngược lại những ngày bạn về sớm hoặc rảnh thì làm giúp mẹ, san sẻ bớt công việc.
Cuối tuần, nàng dâu nên chủ động nấu nướng để cả gia đình cùng quây quần bên mâm cơm, tình cảm thêm gắn kết.
Nên đóng góp sinh hoạt phí cho mẹ chồng như thế nào hợp lý ?
Nàng Dâu không thể đưa ra một con số cụ thể là bao nhiêu, bởi còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và hoàn cảnh của mỗi gia đình. Xin chia sẻ một số gợi ý cho các nàng dâu về vấn đề đóng góp tiền sinh hoạt phí hàng tháng:
Khéo léo lựa lời khi góp tiền để bố mẹ chồng vui vẻ và tạo điều kiện
Trước khi góp tiền, nàng dâu nhớ nói rõ mức lương hiện tại của hai vợ chồng cũng như kế hoạch tương lai. Khéo léo lựa lời để bố mẹ chồng thấu hiểu, vui vẻ nhận tiền và tạo điều kiện cho con cái trong việc tích trữ, tiết kiệm vì tương lai.
Phụ nữ độc lập tài chính mới có tiếng nói trong gia đình
Lệ thuộc vào kinh tế của chồng chính là lý do khiến phụ nữ mất đi vị trí và tiếng nói trong gia đình. Mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu đôi khi cũng chính từ vấn đề này mà ra. Mẹ chồng cho rằng con dâu “chỉ biết ăn bám”, “phụ thuộc” trong khi con trai của mình thì đi làm vất vả.
Chính vì thế, phụ nữ độc lập tài chính mới có tiếng nói và có thể ngẩng cao đầu mà sống. Có công việc và nguồn thu nhập riêng, bạn có thể “ngang hàng” cùng chồng đóng góp tiền sinh hoạt phí mà không bị mang tiếng là “phụ thuộc”. Hoặc bạn có thể chủ động thanh toán các khoản chi phí của gia đình như tiền điện, nước, gas, mạng internet…

Muốn có tiếng nói trong gia đình – Phụ nữ hãy độc lập tài chính
Những khi nhận được tiền thưởng, nàng dâu có thể mua quần áo, thuốc bổ hay món quà nho nhỏ tặng bố mẹ chồng. Như vậy bạn vừa thể hiện được tấm lòng mà còn được tiếng là nàng dâu biết tính toán, lo toan và quan tâm bố mẹ chồng.
Không có điều kiện đóng góp nhiều, nàng dâu nên làm sao để mẹ chồng thông cảm và vui lòng?
Chồng của bạn là nguồn kinh tế chính, bạn thì không đi làm hoặc có đi làm nhưng lương của hai vợ chồng không cao, biết bao nhiêu thứ phải lo toan cho tương lai. Nếu vợ chồng bạn không có điều kiện, chỉ có thể đóng góp ít tiền sinh hoạt phí, nàng dâu nên làm sao?
Vợ chồng bạn hãy lựa lời nói chuyện với bố mẹ, bày tỏ những khó khăn hiện tại, mong bố mẹ thông cảm nhận ít tiền góp phí sinh hoạt. Bên cạnh đó, nàng dâu cũng nên dậy sớm và dành thời gian đỡ đần, san sẻ công việc với mẹ chồng. Mình tin bố mẹ sẽ thấu hiểu và thông cảm cho hai vợ chồng.
Tham khảo kế hoạch đưa tiền mẹ chồng để tính toán hợp lý.
Gợi ý giải pháp hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu từ vấn đề : Có nên ăn riêng với bố mẹ chồng ?
Mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu từ việc có nên ăn riêng với bố mẹ chồng nguồn gốc sâu xa liên quan đến các vấn đề tiền bạc không rõ ràng, phân chia không hợp lý. Có thể nói, mâu thuẫn xuất phát từ cả hai phía mẹ chồng và nàng dâu. Ngoài ra, còn có sự thiếu quan tâm của người chồng nữa.
Cùng tham khảo tình huống và giải pháp cụ thể mà Nàng Dâu gợi ý nhé!
Câu chuyện chia sẻ từ Mẹ chồng và Nàng dâu
Câu chuyện của mẹ chồng H. chia sẻ trên facebook:
“Có phải tôi là mẹ chồng quá cổ hủ hay keo kiệt không. Con trai lấy vợ xong thì vẫn ở chung nhà với mình. Con dâu có bầu ngay sau khi cưới, yếu quá nên không đi làm được, vậy là bố mẹ chồng lo hết. Tôi chăm từ việc nhà, miếng cơm, quần áo, con dâu không cần động tay động chân gì cả. Tôi nghĩ mà thương các con, còn trẻ chưa làm ra được nhiều của cải, bố mẹ vẫn còn lo được dù không đủ cho các con có nhà riêng, nhưng cơm nước đầy đủ.
Tới nay đã tròn 2 năm, cháu nội đã hơn 1 tuổi, con dâu đã đi làm việc ổn định. Nhưng cả 2 vợ chồng đều chưa bao giờ gửi ông bà tiền sinh hoạt. Mọi thứ vẫn để ông bà lo. Sức ông bà có hạn, biết không lo được cho cả con và cháu nên có đề nghị con trai nên gửi tiền để ông bà lo chăm sóc con và cơm nước luôn cho, chứ bố mẹ không bao mãi được. Vậy mà con dâu mặt nặng mày nhẹ. Tôi muốn cho các con ra riêng, tôi thương chúng nó đi làm về tất bật cơm nước, nhưng mà “gồng gánh” mãi không được.
Thực sự, bỏ thì thương, vương thì tội, tôi cũng không muốn mang tiếng mẹ chồng keo kiệt, tính toán. Nhưng điều này quả thực là rất quá đáng.”
Một Nàng Dâu chia sẻ:
“Em lấy chồng 3 năm nay ở chung, ăn chung với bố mẹ chồng. Vợ chồng em không yêu cầu ông bà phụ tiền hay góp gạo gì cả. Dù không có nhiều tiền, nhưng cả hai vợ chồng đều lo được cho ông bà, và ông bà cũng lớn tuổi, đã trông cháu cho mình nên em cũng muốn ông bà thoải mái. Ngặt nỗi, em chồng, chị chồng ở gần nhà, đã có gia đình riêng mà cứ chạy qua xúc gạo, “vơ vét”, mà ông bà vẫn xem là chuyện bình thường “Ôi dào! anh em chúng nó chia sẻ cho nhau, có là bao đâu, khi nào con cần thì chị em lại chia sẻ cho con.””
Em ấm ức lắm, vợ chồng em không dư giả gì, cũng phải làm việc vất vả mới có cái ăn cái mặc. Trong khi các chị, em chồng chỉ ở nhà chơi rồi qua xúc gạo, như vậy khác nào “ăn bám, ăn chung”. Mọi người cho em cao kiến với!
Vậy giải pháp là gì?
Nếu vấn đề liên quan đến tiền thì dễ giải quyết hơn, Nàng Dâu chia sẻ một số kinh nghiệm giải quyết mẫu thuẫn liên quan vấn đề có nên ăn riêng với bố mẹ chồng.
Bình tĩnh, khéo léo nhờ sự trợ giúp từ chồng
- Con dâu nên bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc và tránh tranh luận.
- Nếu con dâu gặp rắc rối với vấn đề ăn chung và góp sinh hoạt phí từ phía gia đình chồng, không nên gây với mẹ chồng.
Bí quyết là nên nói chuyện với chồng, hai vợ chồng cùng ngồi lên ngân sách chi tiêu, bao gồm ăn uống, chỉ tính riêng 2 vợ chồng thôi nhé. Nhớ dành một phần nhỏ để mỗi tháng hoặc dịp đặc biệt mời nhà chồng đi ăn ngoài hoặc nấu một bữa đặc biệt mời cả nhà, và cả tiền “hiếu hỉ”. Sau đó, nói chuyện thẳng thắng với chồng về tình hình kinh tế và mục tiêu tài chính lâu dài, và nói rõ khoản tiền sinh hoạt phí (ăn uống, điện nước…) để gửi bố mẹ chồng.
Hãy sử dụng bảng tính chi tiêu là lên ngân sách mà Nàng Dâu đã soạn sẵn, bạn chỉ cần điền con số và nghiêm túc áp dụng theo nó.
Nhờ chồng trực tiếp giao tiếp với bố mẹ chồng: vì chồng hiểu bố mẹ hơn mình, và bày tỏ rõ vợ không muốn làm chồng khó xử, nên phần này để chồng lo.

Hãy nhờ sự giúp đỡ của chồng
Đụng đến vấn đề tiền bạc “nhạy cảm”, nàng dâu nên khéo léo và thông minh khi ứng xử
Khi bố mẹ chồng hỏi về tiền, nàng dâu hãy mạnh dạn nói rõ ràng:
“Vợ chồng con cũng bàn tính chi phí, và đã thống nhất gửi tiền nhờ bố mẹ giúp chúng con chăm lo nhà cửa và ăn uống. Con theo ý anh, nên mẹ hỏi anh giúp con với ạ. Con cảm ơn bố mẹ giúp đỡ chúng con trong cuộc sống, nhờ vậy chúng con mới yên tâm công việc. Sắp đến ngày …bla…bla, con được nghỉ, con đưa mẹ đi mua sắm xả stress nhé. Phụ nữ ở nhà bếp núc nhiều cũng nên ra ngoài thay đổi….”
Xử lý tình huống chị em chồng qua “xúc gạo”
Cho dù vậy, chắc chắn khó tránh khỏi chuyện chị em chồng qua “xúc gạo”. Nếu bạn nằm trong hoàn cảnh đó, hãy tận dụng “khiếu hài hước của mình”. Một hôm nào cố tình để gạo hết và cười nói “Nhà có con chuột to, cứ chui vào hũ gạo chị ạ”. Hôm nào, em mời cả nhà đi ăn nhé, chứ nay hết gạo rồi chị ơi.
Đừng dại tham gia vào “cuộc chiến hoa hồng”
- Tránh chỉ trích mẹ chồng, gia đình chồng trước mặt chồng. Vì dù sao thì “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Đừng dại tham gia vào cuộc chiến hoa hồng làm gì, mỗi người có vị thế riêng, bạn chỉ cần là người vợ mà chồng cần là được.
- Tránh so sánh mình với con gái của mẹ chồng. Vì sau này chắc chắn mình sẽ thương con mình hơn con dâu (nếu có).
- Những thứ khác, như món ăn, khẩu vị này nọ, không cần quan trọng quá, cứ tà tà đại khái, ăn được là được. Hôm nào bạn thích, bạn tự thưởng cho mình theo ý bạn muốn. Điều này không có gì sai cả.
- Nói ra nói vào cũng kệ. Bạn biết rõ mình đúng ở đâu.

Đừng nên tham gia vào “cuộc chiến hoa hồng”
Có nên ăn riêng với bố mẹ chồng không ? Giải pháp có “vẹn cả đôi đường” hay không còn tùy thuộc vào suy nghĩ, hoàn cảnh mỗi gia đình. Những hướng xử lý trên đây Nàng Dâu gợi ý hy vọng sẽ giúp các nàng dâu tìm được “con đường sáng” cho mình. Nàng Dâu cũng rất mong nhận được thêm những chia sẻ từ trường hợp của các chị em, để chúng ta có thể trải lòng, thấu hiểu và cho nhau lời khuyên hữu ích.